Về xã Bình Minh, huyện Thăng Bình hôm nay, chúng ta không khỏi vui mừng vì sự thay da, đổi thịt của một vùng quê miền biển, vốn xưa chỉ cát trắng, biển xanh, nơi những người ngư dân cần cù bám biển, sống và chết cùng với biển. Bình Minh hôm nay đã dần hình thành đô thị, những con đường to sạch, đẹp, những mái nhà ngói đỏ, cao tầng, công trình, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều. Sự phát triển tích cực đó có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị xã, trong đó có những cách làm hay, mô hình hiệu quả mà Mặt trận, các hội đoàn thể và nhân dân xây dựng, triển khai. Mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”do Hội LHPN xã thành lập là một trong nhiều mô hình hay, đã phát huy hiệu quả tích cực tại địa phương.
(Ảnh: Mô hình được ra mắt vào tháng 4 năm 2022)
Xác định xây dựng mô hình từ thực tế đời sống ngư dân
Là một xã ngang ven biển, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, số lượng tàu khai thác trên biển của xã Bình Minh ước tính đến nay khoảng 129 chiếc. Nhận thấy, khi các tàu thuyền hoạt động trên biển, các loại rác sinh hoạt đều vứt xuống biển làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là san hô.
Nhận thức được trách nhiệm của tổ chức Hội, hội viên phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường; trước thực trạng trên Hội LHPN xã quyết tâm tìm ra giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Sau thời gian đi khảo sát và nắm lịch trình ra vào của các tàu và ý kiến của các hội viên là người nhà của các ngư dân, Hội đã xây dựng kế hoạch tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy và Hội LHPN huyện Thăng Bình để ra mắt mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ khó khăn. Mặc dầu biết trước việc triển khai thực hiện mô hình sẽ rất khó khăn vì thực hiện trên bờ các hộ gia đình đã thực hiện chưa đảm bảo, nên áp dụng đối với các chủ phương tiện lênh đênh trên biển như vậy thì mô hình có hiệu quả hay không? Đó cũng là điều lo lắng nhất của Hội khi bắt tay vào thực hiện mô hình.
(Ảnh: Ngư dân đã tích cực hưởng ứng mô hình)
Kiên trì, sáng tạo trong cách triển khai mô hình
Trong quá trình triển khai, Hội bám sát vào các chủ phương tiện, đặc biệt bản thân là vợ, con chủ tàu, được chính chồng, cha của mình trao đổi mọi hoạt động đánh bắt, sinh hoạt trên biển, nên bản thân cũng thấu hiểu được công việc hằng ngày của từng tổ thuyền hoạt động và sinh hoạt trên biển như thế nào. Trước tiên, Hội mời các chị là vợ của các thuyền viên của từng tổ thuyền đến để trao đổi hướng dẫn, nắm bắt thông tin, tham gia ý kiến trước khi ra mắt mô hình. Sau khi lấy ý kiến của các chị, Hội tiếp tục tổ chức cuộc họp đối với 25 thuyền trưởng là tàu chụp để họp lấy ý kiến của các chủ tàu, đồng thời Hội tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác để các anh được hiểu rõ hơn về mô hình, cùng với đó Hội vận động các tổ thuyền có lưới cũ bỏ ra, Hội xin và tận dụng để nhờ các chị em biết đan vá lại thành từng cái “đẩy” (túi đựng rác) để cấp phát cho 25 tổ thuyền.
Tháng 4/2022, mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” được ra mắt. Ban đầu Hội chọn 25 tàu chụp/129 chiếc tàu làm thí điểm. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, các thuyền viên thuộc 25 tàu chụp mực đã dần theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa được thu gom tập trung một chỗ. Đồng thời, trong quá trình đánh bắt thủy sản, các chủ tàu và thuyền viên cũng tiến hành thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên biển và ngư lưới cụ bị hỏng mang về xử lý tại bờ theo đúng quy định. Hội phân công các chị trong Ban Chấp hành, Chi hội Phụ nữ thôn đón đoàn tàu và thực hiện nhiệm vụ thu gom sau những chuyến biển các tàu cập bến.
Việc thực hiện phân loại rác thải nhựa trên biển mà cụ thể là trên tàu là một việc làm thường xuyên và lâu dài. Chính vì vậy, sau khi phát động ra mắt mô hình, thì công tác kiểm tra có một vai trò quan trọng. Đối với Hội, Ban Chấp hành Hội LHPN xã, các chị Chi hội trưởng Phụ nữ thường xuyên vận động các chị hội viên phụ nữ nhắc nhở người thân là chủ tàu, thuyền viên mang theo “đẩy” đựng rác khi ra khơi.
Hiệu quả và những điều tốt đẹp từ mô hình
Qua thời gian triển khai, trung bình mỗi tàu cá mang về bờ khoảng từ 30- 50 kg rác thải sau một chuyến đi biển; trong đó có khoảng 80% là rác có thể tái chế (chai nhựa, lon bia), còn lại 20% là rác khó tái chế (bao muối, bao gói thực phẩm). Tổng kinh phí thu gom bán được đến nay trên 10 triệu đồng, số tiền này Hội hỗ trợ cho các trường hợp trẻ em, phụ nữ khó khăn đột xuất;hỗ trợ 01 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khănvà hỗ trợ cho 04 tàu bị sự cố chìm tàu.Dù kết quả bước đầu chưa cao nhưng hiệu ứng mang lại rất tốt, khoảng 70% số tàu đã hưởng ứng thực hiện đúng như cam kết, hạn chế được một lượng rác thải không nhỏ xuống biển, góp phần xây dựng và bảo tồn môi trường sống cho sinh vật biển.
Được sự đồng tình rất lớn của ngư dân và HVPN, mô hình đi vào hoạt động không chỉ giúp thay đổi thói quen vứt rác xuống biển của các ngư dân, giảm thiểu lượng rác thải nhựa mà đại dương đang phải chống chịu, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp và ngư dân với môi trường, mà còn đem lại những lợi ích kinh tế- xã hội thiết thực biến rác thành tiền phục vụ cho các hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn.
Nhận thấy được hiệu ứng tốt từ mô hình này, Hội đã tiếp tục tham mưu với lãnh đạo địa phương, nhân rộng đến các chủ phương tiện là tàu Câu mực khơi dài ngày trên biển và các ghe lưới vay có công suất nhỏ.
Mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”của Hội LHPN xã Bình Minh là 1 trong hơn 200 mô hình dân vận khéo đang phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Thăng Bình. Hiệu quả từ các mô hình mang lại không chỉ góp phần cùng địa phương xây dựng thành công nông thôn mới, đô thị văn mình mà còn khẳng định tính đúng đắn, vai trò to lớn của công tác dân vận nói chung và sức sáng tạo của người dân nói riêng trên quê hương Thăng Bình.