Với định hướng phát triển của Vùng Đông Thăng Bình, xã Bình Minh đã và đang xây dựng diện mạo của một đô thị loại V. Cả hệ thống chính trị và mỗi người dân nơi đây đang từng ngày đóng góp sức mình chung tay thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị.
Cùng với hệ thống chính trị, xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội và hội viên phụ nữ trong xây dựng quê hương, thời gian qua Hội LHPN xã Bình Minh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Một trong những mô hình được Hội phát động, đăng ký thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn xã là thực hiện Đề án “Thu gom rác thải bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương.
Để triển khai thực hiện Đề án, Hội đã tích cực tuyên truyền, triển khai xây dựng các mô hình hay trong hội viên phụ nữ như mô hình: “Giỏ rác nhà ta và con đường tự quản”, “Sử dụng giỏ đi chợ hạn chế túi nilong”, “Đường hoa xóa tụ điểm rác”, ra quân dọn vệ sinh khu vực bãi biển tạo không khí trong lành, thu hút khách đến tham quan, vui chơi tại biển Bình Minh…được đông đảo người dân và phụ nữ tích cực hưởng ứng, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương.
Đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, phân hiệu thôn Tân An hôm nay, chúng tôi càng cảm nhận được sự hiệu quả mà mô hình mang lại. Bởi trước đây, trước mặt ngôi trường là cây cối um tùm, một số người dân có thói quen đổ rác tại đây và dần trở thành bãi tập kết rác tự phát, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường học đường và các hộ dân xung quanh. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã đã nhiều lần khảo sát, lấy ý kiến của các hộ dân, tham mưu và được sự thống nhất cao của BTV Đảng ủy, UBND xã và Ban nhân dân thôn Tân An; Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Khu vui chơi cộng đồng, nâng cao ý thức của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngay tại vị trí trước ngôi trường này, mô hình được triển khai từ tháng 5/2020.
Ảnh: Trước khi xây dựng, nơi đây có nhiều cây cối um tùm và là nơi tập kết rác thải tự phát của người dân
Qua hơn một năm đi vào hoạt động, khu vui chơi công cộng ngay trước ngôi trường do Hội đảm nhận đã có nhiều đổi thay rõ nét, không chỉ góp phần xóa “điểm nóng” về rác thải, làm thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn mà địa điểm này, nay đã trở thành điểm vui chơi của trẻ em, thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi; điểm tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của người dân thôn Tân An, đặc biệt là chị em phụ nữ; từng bước nhân rộng phong trào thể dục rèn luyện sức khỏe trong nhân dân. Công trình cũng góp phần tô điểm thêm cho cổng trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ.
Riêng góc sách công cộng, đã giúp cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho phụ huynh và học sinh. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các thành viên về tầm quan trọng của việc đọc sách, tự học tập, đọc sách cùng con; góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Các hội viên phụ nữ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục con cái thông qua các tài liệu ở tủ sách. Việc đọc sách cũng giúp trẻ em xa rời các trò chơi game, sử dụng điện thoại, máy tính vào mục đích giải trí thiếu lành mạnh. Đặc biệt gần 2 năm qua, các tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Hội bố trí thường xuyên tại góc sách này giúp người dân nắm bắt thêm thông tin về phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
Nói về những kết quả mà mô hình mang lại, Chị Đặng Thị Mỹ Ly – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh tâm sự: Để thực hiện ý tưởng này, Hội đã phối hợp, bàn bạc và đi đến thống nhất xây dựng tại đây một khu vui chơi cộng đồng với các phần mục cụ thể như: sân, bồn hoa, ghế đá, đèn chiếu sáng, các dụng cụ như xích đu, máy lắc hông, máy đi bộ trên không, xà đơn 2 bậc…. Cùng với đó Hội xây dựng góc sách cộng đồng, kệ sách có mái che để tránh mưa nắng; vận động các hộ dân xung quang trồng cây xanh tỏa bóng mát, tạo cảnh quang xanh – sạch – đẹp. Với tổng diện tích 80m2, kinh phí thực hiện trên 80 triệu đồng là nguồn thu từ các hoạt động tổ chức văn nghệ, bóng chuyền gây quỹ (trên 62 triệu đồng); vận động hội viên ủng hộ, kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài xã đóng góp (trên 18 triệu). Riêng nguồn sách, báo được Hội phối hợp với Trường THCS Phan Đình Phùng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ và vận động người dân và học sinh tham gia đóng góp, ủng hộ. Từ khi ra đời mô hình đã góp phần tích cực khơi dậy phong trào phụ nữ tích cực học tập, rèn luyện thể dục thể thao; phối hợp tổ chức các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, đi bộ,… nâng cao sức khỏe, văn hóa tinh thần cho người dân và phụ nữ, góp phần cùng chính quyền và Nhân dân xây dựng đô thị văn minh tại địa phương.