Xác định tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, những năm qua, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn 22 cơ sở Hội trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện, không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ.
Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hằng năm, Hội LHPN huyện xây dựng chương trình, kế hoạch, chủ động đề xuất với cấp ủy về nội dung giám sát góp phần giải quyết các vấn đề thiết thực của phụ nữ, nội dung giám sát và phản biện xã hội đều được Hội lồng ghép triển khai trong các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội để hướng dẫn cán bộ Hội tổ chức thực hiện.
Đối với cấp cơ sở, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch giám sát và phối hợp, tham gia giám sát tại cơ sở đảm bảo đúng định hướng hoạt động của Hội, đúng trọng tâm, trọng điểm về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, trẻ em. Sau hoạt động giám sát, Hội luôn chú trọng theo dõi kết quả giải quyết những kiến nghị, đề xuất, đây cũng là cơ sở để Hội đánh giá chất lượng của hoạt động giám sát.
Trong 10 năm (2013 - 2023), các cấp Hội LHPN trong huyện đã tổ chức được 226 cuộc giám sát; trong đó, cấp huyện tổ chức 28 cuộc, cấp cơ sở phối hợp tổ chức 198 cuộc. Nội dung giám sát tập trung đến các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em như giám sát: về việc thực hiện NĐ 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ; về việc triển khai thực hiện về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021; về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật; việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc cấp tiền điện cho hộ nghèo; việc giải quyết chế độ an dưỡng cho các đối tượng có công cách mạng; hỗ trợ sửa và xây mới nhà ở cho các hộ gia đình chính sách; về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở nuôi dạy trẻ,… Qua giám sát các cấp Hội đã kịp thời kiến nghị và được UBND, các cơ quan liên quan tiếp thu giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho hội viên phụ nữ, đồng thời đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền thấy rõ những việc chưa đúng, chưa phù hợp với thực tế của địa phương để kịp thời điều chỉnh, khắc phục, phát huy tính dân chủ, đồng thuận trong nhân dân nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
(Ảnh: Hội LHPN huyện tổ chức giám sát về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện và chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật, giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn xã Bình Giang)
Đối với hoạt động phản biện xã hội, hằng năm, trên cơ sở các văn bản dự thảo về chủ trương, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh các cấp Hội đã tích cực tham gia đóng góp trên 300 ý kiến và được chính quyền các cấp ghi nhận và bổ sung thực hiện. Hội đã tổ chức các Hội nghị BCH để lấy ý kiến góp ý dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung: Hiến pháp năm 1992, Luật hình sự, Luật dân sự, Bộ Luật lao động, Luật phòng chống BLGĐ....và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.
Đối với việc thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; qua 10 năm triển khai, từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN huyện tổ chức 10 Diễn đàn “Hội LHPN tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”; cấp cơ sở phối hợp tổ chức 10 hội nghị góp ý tại địa phương. Nội dung góp ý: góp ý việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã trên các lĩnh vực; góp ý đối với tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, về phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên,... có trên 1.020 lượt ý kiến tham góp ý trên các lĩnh vực, qua đó kịp thời phản ánh những khó khăn trong phát triển đảng viên nữ; công tác cán bộ nữ, việc thực hiện bình đẳng giới, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giải tỏa đền bù trong vùng quy hoạch dự án, chế độ chính sách cho cán bộ Hội cơ sở,…
Ngoài ra, Hội đã đề xuất và được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất hỗ trợ cho gần 290 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để xây mới, sửa chữa nhà ở, trao sinh kế, mua máy móc, dụng cụ sản xuất làm ăn, khởi nghiệp, mở các lớp tập huấn, truyền thông, đào tạo nghề, mua BHYT cho cán bộ Hội, tổ thu gom rác thải số tiền trên 3,5 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Thăng Bình từng bước đi vào nề nếp, đúng quy trình và phát huy hiệu quả thiết thực. Các nội dung giám sát, phản biện xã hội, góp ý của Hội đã bám sát với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và những vấn đề được các tầng lớp hội viên phụ nữ và nhân dân quan tâm. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, các cấp Hội đã phát huy tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em; thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước, qua đó đã kịp thời kiến nghị, đề xuất đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan về những mặt còn hạn chế, được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm tiếp thu kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số cơ sở Hội vẫn còn lúng túng, việc tham gia góp ý nhất là đối với lãnh đạo, người đứng đầu đôi lúc vẫn ở còn tâm lý ngại va chạm nên chưa phát huy hiệu quả thực chất. Việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đôi lúc chưa kịp thời, việc mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến của các tầng lớp phụ nữ trong tham gia góp ý xây dựng dự thảo chính sách, dự thảo pháp luật sửa đổi còn hạn chế.
Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong các cấp Hội Phụ nữ huyện Thăng Bình thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ; các cấp Hội xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt; chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm để xây dựng kế hoạch triển khai. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo nâng cao năng lực và rèn luyện bản lĩnh cán bộ, là nhân tố quyết định chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra .