Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào ấy. Xã hội ngày càng hiện đại, vai trò người phụ nữ càng có nhiều thay đổi. Trong xã hội ngày nay, ngoài vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn có quyền tham gia vào các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia xuất sắc, rất nhiều doanh nhân tài ba là nữ (lần đầu tiên BCH Trung ương Đảng khóa XII có 03 nữ Ủy viên Bộ chính trị, lần đầu tiên chúng ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đều tăng, số lượng nữ tham gia vào ban lãnh đạo, ban điều hành ở các công ty, doanh nghiệp ngày càng nhiều). Điều này chứng tỏ năng lực của phụ nữ không thua kém nam giới. Phụ nữ trong xã hội hiện đại phải thực hiện vai trò kép, bên cạnh việc chăm sóc gia đình, họ còn tham gia lao động kiếm tiền như nam giới. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là danh hiệu, một mặt khẳng định vị thế, vai trò “kép” của người phụ nữ hiện nay là vừa đảm đương tốt việc chăm sóc gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội; mặt khác, đây cũng cho thấy gánh nặng đang được đặt “đều đặn” lên vai người phụ nữ. Phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý cũng không nằm ngoài bối cảnh chung này, họ phải thực hiện vai trò kép, luôn phải chịu nhiều áp lực trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là gia đình và một bên là sự nghiệp.
Như vậy, “bài toán” đặt ra là làm thế nào để giữ cân bằng và đạt kết quả tốt đẹp nhất ở cả hai vai trò nói trên? Để tìm lời giải thì trước hết chúng ta cần phải thấy rõ những rào cản, những khó khăn của phụ nữ khi tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.
Thứ nhất, những khó khăn về quỹ thời gian và sức khỏe. Cũng như nam giới, phụ nữ chỉ có quỹ thời gian hữu hạn 24 giờ mỗi ngày, trong khi phụ nữ tham chính phải thực hiện cả việc nước, việc nhà. Điều này đòi hỏi chị em phải biết sắp xếp thời gian và công việc một cách khoa học và linh hoạt mới có thể đảm nhận tốt cả hai vai trò. Thêm vào đó, so với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại về sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến công việc xã hội cũng như trong gia đình, phụ nữ được xem là chân yếu tay mềm với nhiều hạn chế về thể lực cũng như độ dẻo dai, nhất là những ảnh hưởng của giới tính.
Thứ hai, khó khăn trong việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có thể làm gia tăng căng thẳng và xung đột gia đình. Bởi vì khi phụ nữ làm quản lý giỏi thường ít hoặc không có thời gian quan tâm, chăm sóc cho gia đình, chồng con... hay thiên lệch tình cảm với đồng nghiệp ở cơ quan. Một sự quan tâm không hài hòa, không được sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình sẽ dễ dẫn tới sự hiểu lầm, khó khăn cho người phụ nữ ở cả hai vai trò của mình. Một số phụ nữ có thể mang tính cách, thái độ của một thủ trưởng cơ quan và cả những lo lắng, bực tức trong công việc về gia đình, tạo nên những buồn phiền và xung đột vô cớ.
Thứ ba, khó khăn trước những định kiến của các thành viên trong gia đình, sự gia trưởng của người chồng. Ở một số gia đình thì ba mẹ chồng, chồng có quan niệm là người phụ nữ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc cho gia đình. Một số người chồng không muốn cho vợ tham gia công tác xã hội, và vì thế sẽ luôn không hài lòng hoặc gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến tình cảm và hạnh phúc gia đình. Không chỉ vậy, với những phụ nữ sống chung với gia đình chồng, sẽ là khó khăn cho người phụ nữ tham chính nếu không nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình chồng và cả chính gia đình mình.
Thứ tư, khó khăn trước việc phấn đấu để đạt được các mục tiêu cao trong công việc và hạnh phúc gia đình. Phụ nữ tham chính phải vượt qua nhiều khó khăn, áp lực. Xã hội và gia đình đều đòi hỏi và đặt yêu cầu cao đối với phụ nữ. Trong nhiều cơ quan, vẫn có tư tưởng giao việc nhưng không biết phụ nữ có đảm đương được không? Và để khẳng định mình trong công việc, người phụ nữ luôn phải cố gắng. Đồng thời, bản thân phụ nữ cũng là những người cẩn thận, cầu toàn, nhạy cảm, không muốn ai chê trách mình, họ luôn cố gắng để mọi việc được vẹn tròn. Phụ nữ tham chính cũng chịu áp lực trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Nếu họ làm không tốt điều này, sẽ khó lòng có được sự tin tưởng, tín nhiệm của thủ trưởng, đồng nghiệp (không đảm việc nhà thì sao có thể giỏi việc nước?).
Thứ năm, giải quyết mâu thuẫn giữa mong muốn tham chính với mong muốn phát triển kinh tế gia đình. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ phải gánh hoặc chia sẻ gánh nặng tài chính trong gia đình. Tham gia công việc xã hội có thể làm giảm quỹ thời gian hoặc mất cơ hội phát triển kinh tế gia đình, đây cũng là một trong những rào cản khi chị em thực hiện vai trò kép của mình. Có điều kiện về tài chính, người phụ nữ có nhiều thời gian dành cho công việc và chăm sóc bản thân. Nếu tài chính không dư giả thì bản thân người phụ nữ phải biết sắp xếp hài hòa làm sao để thu xếp giữa công việc xã hội và công việc gia đình.
Để có thể vượt qua những khó khăn nêu trên, làm tốt vai trò kép của mình, chị em phụ nữ, một mặt phải tự điều chỉnh mình, mặt khác, phải tìm kiếm sự chia sẻ. Bên cạnh đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ để chị em thực hiện tốt cả hai vai trò mà không phải chịu nhiều áp lực.
Trước hết, về phía mình và gia đình: Bản thân chị em cần phải bố trí công việc giữa gia đình và xã hội cho khoa học. Cần dành thời gian cho gia đình và con cái. Cần có sự sắp xếp thời gian phù hợp, một khi đã dành thời gian cho gia đình thì nên dành trọn vẹn, không có sự lẫn lộn giữa việc cơ quan và gia đình. Biết quản lý tốt thời gian, ứng dụng những tiến bộ khoa học để tổ chức tốt cuộc sống gia đình.
Người phụ nữ muốn tham chính phải tự mình thoát ra và vận động các thành viên trong gia đình thoát ra khỏi suy nghĩ “việc nhà là của phụ nữ”. Không chỉ người vợ, người mẹ phải quan tâm, chăm sóc chồng, con mà phải tiến tới các thành viên trong gia đình chăm sóc nhau. Phụ nữ tham chính cần phải đặt đúng vai của mình ở từng vị trí: ở cơ quan là đồng nghiệp, là thủ trưởng; ở gia đình phụ nữ là con dâu, là người vợ, là người mẹ... Cần phải học tập cách giao tiếp để đảm bảo được mối quan hệ hài hòa giữa gia đình và xã hội, trong các mối quan hệ, trong giao tiếp với cấp trên, đối tác,…
Sử dụng ưu thế về sự khéo léo, nhẹ nhàng của người phụ nữ để thuyết phục, vận động cũng như chia sẻ, tâm sự, tìm sự đồng cảm từ các thành viên, tạo ra sự chan hòa, chia sẻ của những người thân, tạo được bầu không khí ấm áp trong gia đình. Cần phải tạo dựng được niềm tin, sự chia sẻ đối với thành viên trong gia đình. Bằng sự quan tâm, chăm sóc thực lòng đối với gia đình, hiểu chồng, chăm sóc cho chồng con đầy đủ; tạo những buổi trò chuyện, thảo luận trong gia đình, những bữa cơm thân mật giữa các thành viên trong gia đình, làm cho mọi người hiểu và có được sự đồng cảm. Đồng thời, phụ nữ cũng cần phải kéo mọi người trong gia đình vào công việc nội trợ, giúp các thành viên hiểu, sẵn sàng chia sẻ và chuẩn bị cho họ có khả năng chia sẻ với mình. Một gia đình êm ấm, hạnh phúc không chỉ là hậu phương vững chắc cho người phụ nữ tham gia công tác xã hội mà còn có ý nghĩa nâng tầm người phụ nữ trong con mắt đồng chí, đồng nghiệp.
Phụ nữ tham chính cần sức khỏe để làm việc và cần tự tin để giao tiếp xã hội. Vì vậy, chị em cần phải được trang bị những kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình. Cần thiết phải sắp xếp thời gian để luyện tập thể lực, tham gia các chương trình thể thao để giữ gìn, bảo vệ sức khỏe; có chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, chị em cũng cần quan tâm đến ngoại hình, cách ăn mặc, không chỉ đẹp, duyên dáng khi đi ra ngoài mà còn phải luôn chỉnh chu trong chính gia đình, đối với người thân của mình.
Để giảm bớt áp lực về tâm lý, chị em cũng cần có những mối quan hệ thân thiện bên ngoài công việc, có những khoảng thời gian dành riêng cho mình để chia sẻ và thư giãn. Tuy nhiên, cũng cần biết giới hạn và cần có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình để những cuộc vui với bạn bè được bổ ích và trọn vẹn.
Để hỗ trợ phụ nữ có thể làm tốt vai trò kép của mình, rất cần các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để chị em có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Cụ thể là:
Về phía các cấp ủy Đảng, cần có sự quan tâm, nhìn nhận, đánh giá đúng mực đối với công tác phụ nữ và cán bộ nữ. Kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách, quy định trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ (vì trong thực tế, tỉ lệ cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tỉ lệ nữ trong quy hoạch, được bổ nhiệm, được giới thiệu ứng cử vẫn còn rất thấp); có chính sách khen thưởng, phê bình rõ ràng, từ đó các cấp, các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.
Về phía cơ quan thực hiện công tác bình đẳng giới, cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn; rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng giao tiếp; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, cơ quan về san sẻ vai trò kép đối với phụ nữ; khuyến khích nam giới tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục con cái, chia sẻ công việc nhà với người vợ trong gia đình....
Đối với Hội LHPN các cấp, hiện nay chúng tôi đang triển khai Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong cán bộ, hội viên phụ nữ. “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được xem là “tứ đức” của phụ nữ trong thời hiện đại, giúp phụ nữ khẳng định được vị thế của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội và Cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để góp phần cải thiện cuộc sống gia đình tiến tới xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đang triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết 1 số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 ” qua đó cung cấp cho đội ngủ cán bộ, hội viên phụ nữ kiến thức, kỹ năng vể bạo lực giới/bạo lực gia đình đối với phụ nữ; mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng xâm hại trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt với chủ đề thực hiện năm 2019” An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các cấp hội đã đồng loạt hưởng ứng, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, góp phần vào sự phát triển của gia đình và xã hội.
Thật khó để người phụ nữ có thể vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nếu Phụ nữ chú trọng gia đình khó có thể kiểm soát tốt công tác xã hội, khiến bản thân họ không tạo được uy tín, nguy cơ không thể vươn tới hoặc phải rời bỏ vị thế cao. Ngược lại, phụ nữ quá chú trọng công việc thì mối liên hệ với gia đình sẽ yếu dần, dễ dẫn tới xung đột hay đổ vỡ gia đình. Càng khó hơn khi người phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý mà không nhận được sự đồng thuận, chia sẻ từ phía người chồng và các thành viên trong gia đình. Trước khi có những chính sách đặc thù, ưu tiên nhiều hơn cho phụ nữ thì chính phụ nữ phải tự thay đổi mình. Phụ nữ hiện đại là người biết cân bằng giữa gia đình và công việc. Đó mới thật sự là người thành đạt. Và dù là người phụ nữ có địa vị ngoài xã hội cao đến đâu thì gia đình vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất của họ. Hạnh phúc gia đình mới là mục tiêu, là điểm đến của người phụ nữ./.
Chi tiết tin
Pháp luật và bình đẳng giới
NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỂ DUNG HÒA CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NGOÀI XÃ HỘI KHI PHỤ NỮ LÀ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào ấy. Xã hội ngày càng hiện đại, vai trò người phụ nữ càng có nhiều thay đổi
Ý kiến bạn đọc
Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thống kê truy cập
- Đang truy cập30
- Hôm nay2,390
- Tháng hiện tại42,500
- Tổng lượt truy cập981,846