Chi tiết tin

Tin tức sự kiện

10 sự kiện, hoạt động nổi bật của Hội LHPN Việt Nam năm 2022

Thứ ba - 27/12/2022 03:53   Đã xem: 370
Năm 2022 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Hội LHPN Việt Nam, là năm diễn ra Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội với nhiều điểm mới trong chỉ đạo, điều hành; các cấp Hội đã đoàn kết, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề năm “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII” và các nhiệm vụ trọng tâm.

10 sự kiện, hoạt động nổi bật trong năm 2022:

1. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và tập huấn  triển khai Nghị quyết

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức bằng hình thức trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chủ động, vượt mọi khó khăn, thích ứng với điều kiện thực tế để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của các lực lượng phụ nữ Việt Nam. Đại hội diễn ra với nhiều điểm mới: Tổ chức 05 Trung tâm thảo luận với các chủ đề thiết thực, thu hút nhiều ý kiến, sáng kiến đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em từ các chuyên gia, bộ, ngành và cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các đoàn đại biểu đã thảo luận và có 5.700 sáng kiến hành động vì phụ nữ và trẻ em; xác định 260 hoạt động cụ thể triển khai nghị quyết. Ngay sau Đại hội, TW Hội tổ chức Hội nghị tập huấn (trực tiếp và trực tuyến) kết nối với trên 4.000 điểm cầu, 60.000 cán bộ Hội từ Trung ương đến các cấp Hội trong cả nước tham dự, trong đó có gần 48.000 chi hội trưởng.

2. Các hoạt động chào mừng thành công Đại hội

Các hoạt động chào mừng thành công Đại hội có nhiều đổi mới, thực chất, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thức tế, hướng tới quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em. Đã có hơn 9,2 nghìn công trình và 6,6 triệu cây xanh được trồng (gấp hơn 50 lần chỉ tiêu ban đầu đề ra); nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đạt gần 19 tỉ đồng (tính đến tháng 11/2022, tổng số tiền hỗ trợ Chương trình Đồng hành trong năm 2022 đạt 73 tỉ đồng). Hội LHPN các tỉnh, thành phố, đã có 26.800 buổi tuyên truyền kết quả Đại hội, với gần 1,5 triệu người tham dự.

3. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Phụ nữ Việt Nam

Hội nghị có sự tham gia của 350 đại biểu tại điểm cầu chính tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và hơn 5.000 đại biểu tham dự trực tuyến tại điểm cầu của 62 tỉnh/thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan đã lắng nghe, tiếp thu, giải đáp thoả đáng, trách nhiệm các ý kiến kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

4. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống

Hoạt động giáo dục truyền thống được các cấp Hội đẩy mạnh trong các sự kiện, ngày lễ của đất nước, của địa phương và của Hội. Điểm mới trong các hoạt động giáo dục truyền thống đó là thay đổi cách tiếp cận và hình thức giáo dục như: Tuyên truyền kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tri ân hình tượng “Người Mẹ làng Sen”; Giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua tôn vinh vai trò của nữ chiến sỹ cách mạng bị  địch bắt, tù đày; Chú trọng tổ chức giáo dục truyền thống Hội, truyền thống phụ nữ thông qua các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày ngày mất của các bậc tiền bối cách mạng; Tăng cường kết nối để sưu tầm, tiếp nhận và trưng bày hiện vật lịch sử tại Bảo tàng PNVN. Qua đó giáo dục truyền thống Cách mạng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam; khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Triển khai thực hiện Dự án 8 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình DTTS &MN) 

Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn 1 : từ năm 2021 đến năm 2025 và  năm 2022, kế hoạch chỉ đạo điểm dự án cấp TW tới các địa phương;  thành lập Ban Điều hành Dự án 8 Trung ương để tạo cơ chế phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án từ cấp Trung ương.

Sau 1 năm triển khai thực hiện đã đạt được các kết quả bước đầu, đặc biệt là các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp.

6. Kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành trung ương Hội về hội nhập quốc tế, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, trong đó nổi bật là chuỗi hoạt động chính trị đối ngoại quan trọng: (1) Đón đoàn đại biểu cấp cao Hội LHPN Lào thăm hữu nghị Việt Nam (7/2022); Tổ chức Lễ kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào.  Nhân dịp này, đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết giai đoạn 2022-2027 giữa hai Hội và trao Huân, Huy chương của Nhà nước Việt Nam cho một số tập thể, cá nhân của Hội LHPN Lào có thành tích xuất sắc trong quan hệ hai nước. (2) Tổ chức đoàn cấp cao thăm hữu nghị Campuchia (7/2022),  đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết giai đoạn 2022-2027 giữa Hội Phụ nữ hai nước. (3) Tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có COVID-19”. (4) Tổ chức thành công khóa đào tạo cho 35 cán bộ phụ nữ Lào tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (9-11/2022). (5) Thúc đẩy, hỗ trợ hợp tác giữa Hội Phụ nữ hai nước với công ty Intraco về cung cấp bếp đun và bình lọc nước cho phụ nữ hai nước. (6) Hội LHPN các tỉnh/thành phố phối hợp với Hội LHPN Lào và Hội PN Campuchia vì Hoà bình các tỉnh giáp biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

7. Phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi)

Hội đã thực hiện nhiều hoạt động trong quá trình tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo luật. Huy động nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học, các hội thảo chuyên gia, hội thảo tại 3 khu vực, 62 tỉnh/thành tổ chức các hoạt đông góp ý dự thảo luật; TW Hội chủ trì tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ; ban hành 5 văn bản góp ý dự thảo Luật gửi Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra; xây dựng tài liệu góp ý dự thảo Luật của Hội gửi tới 63 Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Hội với tư cách là đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến thảo luận tại tổ và phát biểu tại Hội trường.  Một số ý kiến đã được tiếp thu như  xác định các hành vi bạo lực đảm bảo bao quát hơn các dạng thức của bạo lực; nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, định kiến, các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình,  trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình....

8. Tổ chức Hội thi dân vũ trực tuyến trong hệ thống Hội

Đây là hoạt động thiết thực góp phần chăm lo đời sống tinh thần và nâng cao thể chất cho chị em phụ nữ cả nước, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19, trở thành phong trào quần chúng có sức lan tỏa rộng khắp. Tại nhiều địa phương, dân vũ được duy trì thường xuyên đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Sau gần 3 tháng triển khai, Hội thi dân vũ trực tuyến đã thu hút đông đảo cán bộ Hội LHPN các cấp và các đơn vị trực thuộc, các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ dân vũ rèn luyện thể dục, thể thao ở 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tham gia hưởng ứng. Hội thi đã được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao; góp phần thu hút, tập hợp, vận động phụ nữ tham gia hoạt động Hội, thúc đẩy phát triển phong trào/CLB dân vũ rèn luyện sức khỏe; tổ chức đồng diễn dân vũ với quy mô lớn  được trình diễn tại nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của các địa phương.

9. Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM được tôn vinh trong khuôn khổ Giải thưởng Tài chính vi mô Châu Âu 2022

Thực hiện định hướng của Hội LHPN Việt Nam về Tài chính toàn diện, trong năm 2022, TYM đã có nhiều chính sách nhằm gia tăng lợi ích và thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ  nữ là khách hàng và cán bộ TYM. Giải thưởng tài chính vi mô Châu Âu  - EMA là giải thưởng danh tiếng được tổ chức thường niên, do Bộ Ngoại giao Luxembourg, Mạng lưới Tài chính vi mô Châu Âu (e-MFP) và Mạng lưới Tài chính toàn diện Luxembourg (InFiNe.Iu) phối hợp với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) tổ chức nhằm tôn vinh, chia sẻ và nhân rộng các thực tiễn tốt nhất trong ngành tài chính, đặc biệt tài chính toàn diện. Năm 2022, chương trình tập trung vào chủ đề “Tài chính toàn diện cho phụ nữ” và đã thu hút sự tham gia của 88 tổ chức đến từ 47 quốc gia trên thế giới.

10. Chương trình Mẹ đỡ đầu

Là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực được triển khai sâu rộng trong toàn quốc. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội khởi xướng đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội. Sau 1 năm thực hiện, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho hơn 16.600 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gần 3.000 trẻ mồ côi do covid-19 với tổng số tiền trên 87 tỷ đồng, qua đó, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng bao dung, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam, truyền đi thông điệp nhân ái giúp các em được sống yên ấm và trưởng thành trong sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương của cộng đồng.

Nhìn lại 1 năm qua, các cấp Hội LHPN Việt Nam từ TW đến cơ sở đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cùng sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp vào cuộc sống; đóng góp to lớn, phát huy vai trò của Hội và các tầng lớp phụ nữ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Nguồn tin: TW Hội LHPN VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quangcaotrai1
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay3,624
  • Tháng hiện tại28,122
  • Tổng lượt truy cập861,091
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây