Chi tiết tin

Hoạt động hội

Phụ nữ Thăng Bình phát huy tài nguyên bản địa để khởi nghiệp

Thứ tư - 21/06/2023 20:27   Đã xem: 192
(QNO) - “Phụ nữ Thăng Bình khát vọng khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa” là chủ đề diễn đàn do Hội LHPN huyện Thăng Bình tổ chức ngày 16/6. Đây là cơ hội để phụ nữ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các cấp, ngành nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khởi nghiệp.
Diễn đàn nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: H.Q
Diễn đàn nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: H.Q

Cần đất mở rộng sản xuất

Bà Đặng Thị Hương - chủ Cơ sở sản xuất bún phở khô Hương Huệ (xã Bình Trị) cho biết, từ hộ nghèo, bà mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sản xuất bánh tráng cuốn và phở khô. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, 2 sản phẩm này đều đạt 3 sao OCOP và có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Cơ sở của bà Hương tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 phụ nữ khó khăn trên địa bàn xã. “Nhu cầu thị trường ngày càng lớn nhưng quy mô sản xuất của cơ sở vẫn còn nhỏ lẻ, không đủ cung ứng. Muốn mở rộng sản xuất thì lại vướng mắc về đất đai, không thể thuê và mở rộng được” - bà Hương nói.

Cơ sở bún phở khô Hương Huệ gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng sản xuất. Ảnh: H.Q
Cơ sở bún phở khô Hương Huệ gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng sản xuất. Ảnh: H.Q

Bà Diệp Thị Thảo Trang - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình (đóng tại xã Bình Dương) cho biết, HTX của bà chỉ mới thành lập 2 năm nhưng đến nay đã phát triển 2 sản phẩm là rau củ quả sạch và trải nghiệm nông trại.

“Để phục vụ tốt nhất hoạt động du lịch trải nghiệm, chúng tôi có dự định mở rộng nông trại, đầu tư các hạng mục. Song, mọi thứ vẫn đang “đứng bánh” do việc thuê đất khu vực ven biển rất khó khăn. Rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho HTX” - bà Trang kiến nghị.

Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.Q
Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới có bố trí quỹ đất dành cho cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, các hộ dân hiện nay muốn xây dựng cơ sở sản xuất gắn với nhà ở của mình, nên việc bố trí đất sẽ khó khăn.

Ông Bình yêu cầu các địa phương rà soát quỹ đất này và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp thuê, sử dụng, phục vụ sản xuất. Vấn đề phụ nữ gặp khó khăn về quỹ đất sản xuất, lãnh đạo huyện cũng sẽ có buổi đối thoại riêng.

Phát huy giá trị bản địa

Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, thông qua các cuộc thi khởi nghiệp do hội LHPN các cấp phát động, từ năm 2019 đến nay địa phương ghi nhận 111 ý tưởng khởi nghiệp tham gia. Trong đó, có 37 ý tưởng đoạt giải cấp huyện, 5 ý tưởng đoạt giải cấp tỉnh.

Sau các cuộc thi, Hội LHPN huyện và các cấp, ngành liên quan tư vấn, hỗ trợ về nguồn nguyên liệu, đăng ký thương hiệu, đầu ra sản phẩm, bao bì, nhãn mác... Đồng thời làm việc với các ngành, địa phương để có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chị em khởi nghiệp kịp thời, nhất là hỗ trợ vay vốn, kinh phí mua máy móc, xúc tiến thương mại...

Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Ảnh: H.Q
Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn Thăng Bình phát triển mạnh. Ảnh: H.Q

Trong 5 năm qua, toàn huyện thành lập 5 HTX, 1 tổ hợp tác và 15 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Đáng chú ý, phần lớn phụ nữ khởi nghiệp phát huy tốt nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, đẩy mạnh liên kết để phát triển sản xuất. Tiêu biểu như sản phẩm nước mắm Hai Hiền, dầu tràm Linh Vũ và các sản phẩm bột ngũ cốc, trà gừng, bột khoai lang tím, cá cơm rim mè...

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình thời gian qua phát triển mạnh. Nhiều sản phẩm của chị em đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và thương hiệu ngày càng lan xa. Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh thị trường rất khốc liệt, các chủ thể cần tính toán hài hòa việc mở rộng sản xuất với vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Các cấp, ngành hỗ trợ chỉ hỗ trợ một phần, còn lại vẫn tùy thuộc lớn vào nỗ lực của chị em.

“Tôi đề nghị phụ nữ Thăng Bình nên phát triển khởi nghiệp “cộng”, nghĩa là chị em khởi nghiệp thành công sẽ hỗ trợ cho người mới khởi nghiệp để cùng nhau phát triển” - bà Liên nói.

Nước mắm Hai Hiền - sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP của chị Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Dương, Thăng Bình. Ảnh: H.Q
Sản phẩm nước mắm Hai Hiền của chị Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Dương) đạt 4 sao OCOP. Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, Thăng Bình có nguồn tài nguyên bản địa phong phú, mang bản sắc riêng. Do đó, bên cạnh việc tận dụng tài nguyên, phụ nữ khởi nghiệp cần tính toán lồng ghép yếu tố văn hóa vào sản phẩm. Qua đó sẽ làm sản phẩm có dấu ấn riêng và dễ dàng chinh phục khách hàng.

“Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, đặc biệt là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Hội LHPN huyện rà soát nhu cầu về vốn vay và báo cáo lãnh đạo huyện. Trên cơ sở này, huyện sẽ tìm thêm kênh vay vốn, thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng đi lên” - ông Bình nói.

Nguồn tin: Hồ Quân - Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quangcaotrai1
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,186
  • Tháng hiện tại14,610
  • Tổng lượt truy cập802,834
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây