Chi tiết tin

Hoạt động hội

Phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ ba - 25/10/2022 23:32   Đã xem: 219

Trong bối cảnh hiện nay, với hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa; quá trình lưu thông hàng hóa ngày càng có nhiều thuận lợi, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua sản phẩm; bên cạnh đó đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng chuyển nhu cầu từ “ăn no, mặc ấm”, sang “ăn ngon, mặc đẹp”; khi lựa chọn mua sản phẩm sẽ ưu tiên về mặt an toàn, uy tín, chất lượng của sản phẩm, mẫu mã bao bì đẹp, hấp dẫn. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường và tâm lý ưa chuộng hàng ngoại hơn hàng Việt trong người tiêu dùng vẫn còn khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng trên, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, hằng năm, BTV Hội LHPN huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN cơ sở triển khai thực hiện đưa nội dung tuyên truyền thực hiện CVĐ gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” trong đó chú trọng tiêu chí “Sạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, lương thực, thực phẩm”; đồng thời, xác định việc tuyên truyền vận động HVPN thực hiện CVĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội.

     Hằng năm, Hội tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền qua Hội nghị, nhóm nhỏ, hội thi, tờ rơi,…Nội dung tuyên truyền tập trung phát huy thiên chức của người phụ nữ trong gia đình là người mẹ, người vợ, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên bữa cơm gia đình vừa đảm bảo dinh dưỡng, an toàn; vừa là người có vai trò quan trọng trong việc kết nối các thành viên và quyết định việc chi tiêu mua sắm trong gia đình; đồng thời phụ nữ cũng là người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần hình thành văn hóa tiêu dùng và tạo ra một thị trường xanh, sạch, an toàn. Qua đó, hằng năm Hội tổ chức trên 150 điểm tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tổ chức Hội thi “Bữa cơm gia đình”,…thu hút trên 11.100 lượt người tham gia.

Hình ảnh: Hội thi bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

 

     Bên cạnh đó, Hội lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và đài truyền thanh cơ sở xây dựng chuyên mục “Phụ nữ với đời sống gia đình và xã hội”; đăng tin, bài tuyên truyền qua zalo, facebook của Hội,...

     Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Hội tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt về kiến thức pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Thương mại, vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện Cuộc vận động; kêu gọi phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng nâng cao nhận thức về ưu tiên sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.

     Bên cạnh đó, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả do các cấp Hội triển khai để tập hợp, thu hút HVPN như mô hình “An toàn cho Mẹ và con”, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ phát triển kinh tế”,… đến nay Hội đã duy trì, xây dựng 93 mô hình, có 4.250 thành viên tham gia. Qua hoạt động của các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của chị em trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn, nói không với “rau hai luống, heo hai chuồng” trong trồng trọt và chăn nuôi sản phẩm nông nghiệp; đồng thời Hội đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm do phụ nữ sản xuất như nhóm liên kết trồng cây tràm gió để cung cấp lá tràm cho cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt và trồng khoai lang tím để cung cấp khoai lang cho cơ sở sản xuất tinh bột Khoai lang tím của chị Hoàng Thị Tính (Bình Sa); nhóm liên kết sản xuất nghệ để cung ứng nghệ sạch cho cơ sở sản xuất viên tinh bột nghệ mật ong của chị Đặng Thị Tố Nga (Bình Lãnh),....

   Hình ảnh sản phẩm dầu Tràm Linh Vũ

 

Hình ảnh: Sản phẩm khoai lang Trà Đóa

 

     Cùng với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ về ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hội còn chú trọng đến trợ lực, đồng hành cùng chị em để sản xuất, cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa sạch, đảm bảo chất lượng do chị em sản xuất đến với người tiêu dùng, hằng năm các cấp Hội tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ”; hỗ trợ thành lập 06 Hợp tác xã, 01 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; phối hợp để tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, cơ hội việc làm, khởi sự kinh doanh cho chị em; phối hợp với Phòng KT-HT huyện hướng dẫn các cơ sở sản xuất làm hồ sơ thủ tục theo quy định để tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất như hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, số tiền 300 triệu cho cơ sở sản xuất tinh bột khoai lang tím của chị Hoàng Thị Tính - Bình Sa, cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Ngọc Thúy – Bình Triều và cơ sở sản xuất Trà Gừng của chị Nguyễn Thị Tiến - Bình Định Bắc; hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công của huyện cho cơ sở sản xuất bánh bao của chị Trịnh Thị Nở - Bình Triều và cơ sở sản xuất heo đất của chị Ngô Thị Hương - Bình Trị với số tiền 135 triệu; tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vốn vay cho HVPN đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế,… với dư nợ trên 259 tỷ. Ngoài ra, Hội phối hợp với UBND, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện giới thiệu các chị có sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh, tham gia Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam,... Qua đó, nhiều sản phẩm chất lượng tốt, đạt OCOP do phụ nữ sản xuất đã được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng, như: nước mắm Cửa khe Hai Hiền, bánh tráng, bún, phở khô Hương Huệ, dầu tràm Linh Vũ, bột khoai lang tím, bánh bao khoai lang, viên tinh bột nghệ mật ong rừng tabitha, yến sào Đất Quảng,…

     Phát huy vai trò là tổ chức chính trị xã hội thực hiện hoạt động góp ý, giám sát, phản biện xã hội  (theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị) Hội LHPN huyện đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào các văn bản dự thảo, kế hoạch tại địa phương, nhất là trong phát triển sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh, khắc phục; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm,…qua đó phát huy tính dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm Việt.

     Có được kết quả trên, ngoài nhận thức của người dân nói chung và HVPN nói riêng về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêu dùng hàng Việt thì yếu tố hết sức quan trọng là các sản phẩm Việt Nam nói chung và các sản phẩm do HVPN, người dân trên địa bàn huyện nói riêng tự sản xuất ra đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường cả về mẫu mã, chất lượng, số lượng và giá cả./.

Nguồn tin: Huỳnh Thị Xuân - Hội LHPN huyện:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quangcaotrai1
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,149
  • Tháng hiện tại16,464
  • Tổng lượt truy cập768,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây