Chi tiết tin

Hoạt động hội

Phát triển sản phẩm khởi nghiệp

Thứ sáu - 24/12/2021 02:03   Đã xem: 717

    Không dừng lại khi đã thành công với các sản phẩm, nhiều phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình luôn tìm tòi cái mới, khác biệt để có thể đưa sản phẩm vươn xa hơn.

 
Ngoài bánh bao khoai lang, chị Trịnh Thị Nở còn chế biến bột bí đỏ nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.
     Sau thành công với bánh bao khoai lang tím, chị Trịnh Thị Nở (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) quyết tâm đưa bột bí đỏ Nhật Hưng tham gia chương trình OCOP. Theo chị Nở, bột bí đỏ có chất lượng dinh dưỡng cao, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Từ bột bí đỏ có thể chế biến thành sữa, làm các loại bánh và tạo màu. Sở dĩ chị chọn bột bí đỏ để hướng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, vì hiện nay nguồn nguyên liệu trái bí đỏ rất nhiều, ngoài địa phương Bình Triều, chị còn có thể thu mua ở các vùng lân cận khác.
     Từ năm 2019, hằng năm, Hội LHPN huyện Thăng Bình phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ”, đến nay thu hút 67 ý tưởng tham gia, trong đó 24 ý tưởng đoạt giải cấp huyện, 4 ý tưởng đoạt giải cấp tỉnh. Đây là khâu quan trọng nhất để thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo.
     Sau khi thành công với sản phẩm bánh bao khoai lang tím, chị đã làm trang facebook cơ sở chế biến nông sản Nhật Hưng nhằm giới thiệu về bánh bao khoai lang cùng các loại tinh bột, và nhận nhiều phản hồi tích cực. Ngoài ra, để thu hút người theo dõi, chị đã cập nhật hình ảnh liên tục trên trang để có sự tương tác.
     Theo bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình, các sản phẩm do phụ nữ khởi nghiệp trong huyện có nhiều thay đổi phù hợp về chất lượng, mẫu mã, cách tiếp cận thị trường.
     Các chị đã xây dựng trang facebook, website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, biết dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương để phát triển sản xuất như: Nước mắm Hai Hiền, bánh tráng cuốn, phở khô Hương Huệ, dầu tràm Linh Vũ, bột ngũ cốc, bột khoai lang tím, tinh bột nghệ... Trong sản xuất các chị đã kết nối với người dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ quanh năm không đứt hàng. Trong những sản phẩm này có một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao, tiêu biểu như nước mắm Cửa khe Hai Hiền, dầu tràm Linh Vũ, bột ngũ cốc Cô Một, bánh tráng cuốn, phở khô Hương Huệ, viên tinh bột nghệ Tabitha, bột khoai lang tím, heo đất Hưng Thịnh, cá cơm rim mè...
     Không chỉ vươn lên khởi nghiệp thành công, các cơ sở đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo từ thiện với hơn 1.500 suất quà tặng các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm. Hợp tác xã nước mắm Cửa Khe Hai Hiền đã nhận đỡ đầu một trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ tại xã Bình Sa với số tiền 300 nghìn đồng/tháng để “Tiếp sức cho em đến trường”.
     Bà Phan Thị Thùy Trang cho biết, hội tổ chức đối thoại, tư vấn trực tiếp, có sự tham gia của đại diện các phòng chuyên môn của UBND huyện và các phụ nữ có sản phẩm đoạt giải.
     Trên cơ sở đó, đại diện các ngành chuyên môn tư vấn trực tiếp cho các chị về nguồn nguyên liệu, chất lượng, kỹ thuật sản xuất, hướng đi, đầu ra, xây dựng thương hiệu, chai lọ, bao bì, nhãn mác, thị trường tiêu thụ, sản phẩm nào cần bổ sung, thêm bớt gì cho phù hợp, những hướng đi khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, Hội LHPN huyện và các ngành chuyên môn hướng dẫn các chị tiếp cận các nguồn hỗ trợ.
     Thời gian qua, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã hỗ trợ thành lập 3 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 15 mô hình kinh tế; đã kết nối, đề xuất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí, giúp 44 phụ nữ và 1 mô hình với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
     Hội cũng tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện và Hội LHPN tỉnh, giúp 5.700 lượt hộ vay với dư nợ hơn 223 tỷ đồng và huy động nguồn vốn tại chỗ thông qua các nhóm tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm chi - tổ hội giúp phụ nữ có vốn làm ăn.
     Đồng thời qua tham gia các cuộc thi, các hội thảo của tỉnh đã tạo điều kiện cho phụ nữ địa phương tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, như Hợp tác xã nước mắm Cửa Khe Hai Hiền được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống nấu đảo tự động nâng cao hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống” với vốn thực hiện dự án là 2,6 tỷ đồng; cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt bảo vệ đề tài khoa học cấp tỉnh về sản xuất dầu tràm...

Nguồn tin: Giang Biên - Trung Thực

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quangcaotrai1
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay279
  • Tháng hiện tại17,335
  • Tổng lượt truy cập527,348
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây