Chi tiết tin

Hoạt động hội

Phụ nữ xã Bình Dương “Sống xanh”  thông qua xây dựng mô hình “1+N” và các mô hình bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 17/01/2022 02:55   Đã xem: 527
     HỘI LHPN XÃ BÌNH DƯƠNG                                         CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                 BAN THƯỜNG VỤ                                                                    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Phụ nữ xã Bình Dương “Sống xanh
 thông qua xây dựng mô hình “1+N” và các mô hình bảo vệ môi trường
góp phần xây dựng nông thôn mới

I. Giới thiệu sáng kiến
1. Tên sáng kiến: Phụ nữ xã Bình Dương “Sống xanh” thông qua xây dựng mô hình “1+N” và các mô hình bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới.
2. Đơn vị thực hiện: Hội LHPN xã Bình Dương
3. Địa điểm thực hiện: Địa bàn xã Bình Dương
4. Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 năm 2021 đến nay
II. Mô tả sáng kiến
1. Thực trạng vấn đề liên quan đến sáng kiến
Xã Bình Dương là một xã vùng Đông của huyện Thăng Bình, cách trung tâm hành chính huyện 10 km về phía Đông; phía Đông giáp với Biển Đông; phía Tây giáp sông Trường Giang; phía Bắc giáp xã Duy Nghĩa và xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên; phía Nam giáp xã Bình Minh và xã Bình Đào. Diện tích tự nhiên: 2.236,51 ha, có 4 thôn gồm: Lạc Câu, Nam Hà, Bàu Bính và Duy Hà với 8.815  nhân khẩu, tổng số 2.241 hộ gia đình, mật độ dân số bình quân 252,6 người/km2.
Năm 2021, xã Bình Dương là địa phương thứ 17 của huyện Thăng Bình sẽ về đích xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những tiêu chí mà địa phương cần “gỡ khó” đó là tiêu chí về môi trường. Bởi, việc xử lý rác thải đúng theo quy định để đảm bảo môi trường lâu nay vẫn là điều trăn trở của địa phương. Cùng với đó, nhận thức, vai trò chủ thể của người dân còn hạn chế; người dân vẫn còn thói quen vứt rác bừa bãi, tỷ lệ người dân tham gia đề án thu gom rác thải còn thấp, tỷ lệ người dân đóng phí môi trường chỉ đạt hơn 51%; việc thu gom, xử lý, phân loại rác thải rắn, rác thải sinh hoạt chưa đúng quy định;…
Không đứng ngoài cuộc, Hội LHPN xã Bình Dương đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cùng chung tay bảo vệ môi trường. Mô hình “1+N” ra đời đã dần làm thay đổi thói quen, cách nghĩ, nếp sống của phụ nữ trong bảo vệ môi trường để góp phần dựng xây hình ảnh một Bình Dương sáng - xanh - sạch - đẹp.
2. Nội dung sáng kiến
Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, giải pháp để huy động sự vào cuộc của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn, phát huy vai trò trong việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Mô hình “1+N”, nghĩa là phân công 1 cán bộ Hội phụ trách một nhóm hộ gia đình phụ nữ chưa tham gia vào Đề án thu gom rác thải (nhóm từ 10-20 hộ) để tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện phân loại rác, nộp phí môi trường, tiến đến đạt chỉ tiêu trên 90% hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia Đề án.
Thông qua mô hình không chỉ góp phần thay đổi trong cách nghĩ mà còn tạo chuyển biến trong hành động để mỗi cán bộ, hội viên là một tuyên truyền viên tích cực, một tình nguyện viên nhiệt tình cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Hình ảnh: Hội LHPN xã ra mắt mô hình “1+N
3. Giải pháp thực hiện
- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội nhằm nâng cao nhân thức, mục đích ý nghĩa của mô hình “1+N” và kỹ năng tuyên truyền, kiến thức về bảo vệ môi trường để tổ chức tuyên truyền trong hộ gia đình phụ nữ.
- Khảo sát chọn địa bàn thôn để làm điểm xây dựng mô hình “1+N”; đồng thời tập trung xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường nhằm triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Khảo sát thực tế các hộ tham gia đề án thu gom rác thải, thông qua đó tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho những hộ chưa tham gia vào đề án hiểu được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác,  thu gom rác thải từ đó có ý thức và tự giác đóng phí môi trường.
 - Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hạn chế và tiến tới nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần như sử dụng giỏ nhựa đi chợ, đổi rác thải nhựa lấy quà,…
- Vận động hộ gia đình tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp: Trồng hoa thay cỏ dại; chỉnh trang nhà cửa, xây dựng tường rào cổng ngõ khang trang, xây dựng vườn mẫu; di dời chuồng trại ra phía sau nhà ở;….
4. Các bước triển khai
- Bước 1: khảo sát, nắm số liệu cụ thể tỷ lệ người dân tham gia đề án thu gom rác thải/nộp phí môi trường toàn dân.
+ Phối hợp với cán bộ môi trường nắm số liệu tỷ lệ người dân tham gia đề án thu gom rác thải/nộp phí môi trường toàn dân. Qua khảo sát: Tỷ lệ người dân tham gia đề án thu gom rác thải/nộp phí môi trường toàn dân tại các thôn như sau:
  1. Thôn Lạc Câu: có 206/527 hộ
  2. Thôn Nam Hà: có 421/ 520 hộ
  3. Thôn Bàu Bính: có 275/562 hộ
  4. Thôn Duy Hà: có 286/ 532 hộ
Qua nhận xét thấy: Thôn Lạc Câu là thôn có tỷ lệ hộ gia đình tham gia đề án thu gom rác thải/nộp phí môi trường toàn dân thấp nhất; đây cũng là thôn nằm trong lộ trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. Vì vậy, Hội LHPN xã Bình Dương chọn thôn Lạc Câu là thôn thí điểm triển khai mô hình “1+N”.
Để tổ chức tại các nhóm, tổ, trước hết, Hội phân tích tỷ lệ hộ gia đình tham gia đề án thu gom rác thải/ nộp phí môi trường toàn dân tại thôn Lạc Câu có 206/527 hộ. Như vậy, còn 321 hộ chưa tham gia. Trong đó, có 97 hộ là già yếu, neo đơn. Vậy, còn 224 hộ trên địa bàn thôn Lạc Câu chưa tham gia. Hội phân chia thành 20 nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 8-12 HVPN.
Tiếp đến, Hội họp các thành viên mô hình “1+N”, phân công 20 cán bộ Hội (là thành viên của mô hình) phụ trách 20 nhóm. Mỗi cán hộ Hội đi trực tiếp xuống từng nhà được phân công vận động, ưu tiên vận động trước những hộ gia đình HVPN dễ thuyết phục. Tranh thủ những giờ trưa hay chập tối, cán bộ hội phụ trách nhóm đến từng nhà hội viên. Chỉ là những lời tâm tình chị em, cùng lắng nghe, trao đổi, bằng những điều chân thật nhất, gần gũi nhất, giúp hội viên hiểu được sự cần thiết phải tham gia đề án thu gom rác thải. Dần dà, những hộ này sẽ tiếp tục là tuyên truyền viên tích cực cùng vận động hội viên phụ nữ khác tham gia.
Song song trong thời gian này, Hội LHPN xã đã tăng cường thời lượng phát sóng trên đài truyền thanh của xã, mỗi tuần 2 lần tuyên truyền về vai trò của phụ nữ đối với việc bảo vệ môi trường; thực trạng, hậu quả của việc ô nhiễm môi trường, tác động của môi trường đến đời sống con người;…Bên cạnh đó, Hội còn truyền thông thông qua mạng xã hội như facebook, zalo;  luôn chủ động nghiên cứu viết tin, bài, thiết kế các thông điệp truyền thông về môi trường gắn với cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” phù hợp, dễ nhớ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan: Sử dụng hơn 50 pa no, áp pích, khẩu hiệu tuyên truyền tại các tuyến đường ĐH 613, các nhà văn hóa, các điểm chợ, cấp phát hơn 2000 tờ rơi đến từng hộ gia đình.
Đáng mừng, chưa đầy một tháng sau, đã vận động được 191 hộ tham gia đề án thu gom rác thải. Từ đây, Hội LHPN xã Bình Dương tiếp tục triển khai mô hình này tại các thôn còn lại.
- Bước 2: Tiếp tục xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, khảo sát và trồng hoa thay cỏ dại.
Sử dụng túi nilong tự lâu đã trở thành thói quen của mỗi hội viên. Vì vậy, việc giảm thiểu dẫn đến nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilong không thể một sớm một chiều. Hội LHPN xã Bình Dương đã xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, phát động phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni long gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại các điểm chợ, 24 điểm tổ hội, thu hút gần 1.477 chị em tham dự.
Mô hình “Xách giỏ đi chợ” tại thôn Duy Hà ra đời. Việc xách giỏ nhựa đi chợ đã góp phần tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hạn chế sử dung túi ni lon trong sinh hoạt, hưởng ứng cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Không phải mang về nhà hàng chục chiếc túi nilon đựng thịt, cá, rau... lỉnh kỉnh.
Thay vào đó, cá, thịt tươi sống được các chị sử dụng lá chuối để gói hoặc cho vào hộp nhựa, đồ ăn nóng thì có cặp lồng, còn các loại thực phẩm khác để vào giỏ nhựa vô cùng tiện lợi và sạch sẽ. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà “Xách giỏ đi chợ” đã tạo nên nét đẹp của phụ nữ khơi gợi lại những điều vốn xưa cũ như: sử dụng lá chuối để gói thức ăn, đồng thời là kênh tuyên truyền hiệu quả, lan tỏa việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi nilong.
Mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo” được triển khai tại chi hội Lạc Câu không chỉ góp phần thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
 Chưa dừng lại ở đó, Hội LHPN xã còn phát động các phong trào thi đua về bảo vệ môi trường: Phát động chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” được tổ chức tại 4 điểm nhà văn hóa thu hút gần 200 lượt chị em phụ nữ tham gia.
Phát động phong trào “Cùng làm sạch môi trường”, “Hãy nói không với sử dụng túi ni long”, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn ở 24 điểm với hơn 600 lượt phụ nữ tham dự; cấp phát 500 túi bạc, 100 giỏ nhựa với kinh phí gần 16 triệu đồng.
Hình ảnh: Phát động phong trào “Cùng làm sạch môi trường – hãy nói không với sử dụng túi ni lông”                                             
Để góp phần tạo diện mạo mới cho cảnh quan nông thôn, Hội LHPN xã Bình Dương đã vận động trên 300 công lao động của chị em phụ nữ làm mặt bằng, đóng góp mỗi chị 50.000 đồng để láng sân nền làm hành lang nghĩa trang liệt sỹ xã, đường bê tông nông thôn thôn Nam Hà với chiều dài 540 km, tổng kinh phí gần 160 triệu đồng; vận động 37/37 hộ gia đình HVPN di dời chuồng trại ra phía sau nhà ở; vận động 527 hộ gia đình phụ nữ đóng góp 73 triệu đồng cùng Nhà nước để mua bóng mới, thay đường dây điện đã cũ. Kết quả, đã lắp 527 bóng đèn mới, 3 km tuyến đường dây điện.
Cùng với đó, Hội vận động hộ gia đình HVPN chỉnh trang nhà cửa, xây dựng tường rào cổng ngõ khang trang, xây dựng vườn mẫu, đã có 25 hộ gia đình phụ nữ đăng ký xây dựng vườn mẫu.
Hình ảnh: Hàng rào mềm hộ gia đình chị Phan Thị Phượng thôn Lạc Câu
Xây dựng kế hoạch và xin ý kiến thống của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, làm việc với chi ủy chi bộ lạc câu, tổ chức họp HVPN thôn Lạc Câu, chọn tuyến đường thôn Lạc Câu có chiều dài 4.5 km trồng hoa thay cỏ dại.
Qua khảo sát, đây là tuyến đường chủ yếu là đất cát; do vậy chọn những loại hoa dễ trồng, chịu hạn như cây chiều tím, cây ngũ sắc, cây hoa giấy, cây hoa trang…Ngoài ra, để tăng điểm nhấn cho tuyến đường hoa, Hội khảo sát và bố trí thêm 60 cái chum dọc theo đoạn đường từ nhà Chị Phan Thị Chín đến Nhà văn hóa Thôn ( đây là đoạn đường đẹp, có nhà ở đông đúc) .Với những loại cây như hoa chiều tím, hoa trang, ngũ sắc được bố trí trồng dưới đất hai bên đường, riêng hoa giấy trồng vào chum.
Hội tiếp tục vận động một nhóm chị em phụ nữ là giáo viên các trường mầm non trên địa bàn xã tham gia vẽ họa tiết, sơn lên các chum nhằm góp phần tạo nên sắc xanh cho đường quê.
Hình ảnh: HVPN vẽ họa tiết lên các chum, chậu để trông hoa
Tuyến đường phụ nữ “Sáng, xanh, sạch, đẹp” cũng được ra đời tại thôn Lạc Câu có 35 chị tham gia, phát động nhiều đợt HVPN ra quân dọn vệ sinh, sạch, đẹp, đường làng ngõ xóm với trên 200 lượt chị em phụ nữ tham gia.
III. Hiệu quả sáng kiến:
Với mô hình “1+N”, Hội đã đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhất là tiêu chí 3 sạch” sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ ra đường, sạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ; mỗi nhà một sọt rác, phân loại rác và xử lý đúng quy cách. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định: chất thải được đa số hộ nhân dân tự phân loại, chất thải tiêu hủy được thì tự xử lý tại nhà, chất thải không tiêu hủy được thì có dịch vụ thu gom tập kết đến bãi thải đúng quy định; nước thải có hầm chứa xử lý, không thải trực tiếp ra đường 2.098/2141 hộ đạt tỷ lệ 98%. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch: 2.139/2.141hộ  đạt tỷ lệ 99,9%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường  (chuồng trại nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước; thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại; chất thải được xử lý - ủ làm phân, nước thải có hầm chứa; không xả tràn ra ngoài đường): 1042/1073 hộ đạt tỷ lệ 97,1%. Đặc biệt, đến nay đề án thu gom rác thải đã nâng tổng số hộ tham gia lên 1.994 hộ, đạt tỷ lệ 93.13%.
Đến nay, xã Bình Dương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí môi trường được đánh giá cao. Trong đó, có dấu ấn không nhỏ của phụ nữ Bình Dương trong năm qua. Từ nhận thức đến hành động, những phần việc thiết thực, những chương trình ý nghĩa đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn cùng chung tay bảo vệ môi trường. Những ngôi nhà với hàng rào xanh mướt; những chậu hoa, bồn hoa, chum được tận dụng để trồng cây đã khoát lên mình chiếc áo mới từ bàn tay không chuyên của hội viên phụ nữ địa phương. Những họa tiết sinh động, đặc sắc, những quang cảnh thân thương của làng quê được phát họa sáng cả một tuyến đường. Không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn làm xao xuyến cho những ai lần đầu đặt chân đến; đề án phân loại rác thải thực sự đi vào cuộc sống;…Đó là những hình ảnh đáng nhớ và tự hào của nông thôn Bình Dương. “Sống xanh” không còn xa lạ mà đã thực sự hiện diện trong nếp sống, nếp nghĩ của phụ nữ nơi đây./.            
Hình ảnh hoạt động: 
  
               
                                     Hình ảnh: Hội LHPN xã ra mắt mô hình “1+N                                                 
Hình ảnh: Ra mắt tuyến đường Phụ nữ tự quản “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp
Hình ảnh: HVPN mang giỏ xách đi chợ
Hình ảnh: HVPN vẽ họa tiết lên các chum, chậu để trông hoa
Hình ảnh: Phát động phong trào “Cùng làm sạch môi trường – hãy nói không với sử dụng túi ni lông”
Hình ảnh: Phát động phong trào “Đổi rác thải nhựa lấy quà
Hình ảnh: HVPN trồng hoa tuyến đường tự quản
              
                                                                                           


                                                                            
 

Nguồn tin: Hội LHPN xã Bình Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quangcaotrai1
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,997
  • Tháng hiện tại27,814
  • Tổng lượt truy cập567,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây